Lượt xem: 1744

Trái cây Sóc Trăng chinh phục thị trường bằng chất lượng

Ở Đồng bằng sông Cửu Long, lợi thế trồng cây ăn trái trước đây thường thuộc về các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre. Tuy nhiên, khoảng 2 năm nay, Sóc Trăng lại trở thành điểm sáng trong khu vực trong vấn đề chuyển đổi đất trồng kém hiệu quả sang phát triển vùng trồng cây ăn trái đặc sản. Nhờ quy hoạch vùng trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và chú trọng phát triển kinh tế tập thể trên lĩnh vực trồng cây ăn trái thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác mà trái cây Sóc Trăng đã có cơ hội khẳng định thương hiệu và chinh phục thị trường bằng chất lượng.


Nhà vườn và doanh nghiệp ký kết tiêu thụ sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP

 

    Trong những năm gần đây, sản xuất cây ăn trái cả nước nói chung và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng được quan tâm đầu tư và phát triển khá toàn diện, liên tục tăng trưởng cả về diện tích, sản lượng, giá trị và chất lượng. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan xảy ra với mật độ thường xuyên, hạn hán và xâm nhập mặn những năm gần đây đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất cây ăn trái tại các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Sóc Trăng.  Để khai thác, phát huy tiềm năng diện tích cây ăn trái thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh Sóc Trăng đã quy hoạch việc sản xuất cây ăn trái cho từng địa phương phù hợp điều kiện tự nhiên của từng vùng nhằm tạo ra số lượng hàng hóa lớn tập trung, thuận lợi cho việc liên kết tiêu thụ sau thu hoạch. Theo đó, cây bưởi, xoài sẽ được trồng nhiều hơn tại các huyện như: Kế Sách, Cù Lao Dung, Long Phú, Châu Thành; cây cam quýt trồng tại các huyện Kế Sách, Long Phú, Châu Thành, Mỹ Tú; nhãn trồng tại huyện Kế Sách, Cù Lao Dung, Long Phú; vú sữa trồng tại huyện Kế Sách. Nhiều mô hình cải thiện chất lượng cây ăn trái cũng đã  liên tục được triển khai như: Mô hình cải tạo, trồng mới cây ăn trái; mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để quản lý dịch hại trên cây ăn trái; mô hình trồng cây ăn trái theo hướng hữu cơ, VietGAP,...

    Tại huyện Kế Sách với khoảng 1.900 hecta trồng vú sữa,  quá trình canh tác theo phương thức truyền thống như để cây ra hoa, kết trái tự nhiên đã khiến cây ra trái không đồng đều, thường xảy ra sâu bệnh. Một sự đột phá về tư duy sản xuất bắt đầu được triển khai khi đầu tháng 9 năm 2018, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng xây dựng mô hình sản xuất cây vú sữa đạt tiêu chuẩn VietGAP. Khác với sự nghi ngại ban đầu, giờ đây, nhà vườn trồng trái vú sữa ở Kế Sách đã có sự chủ động trong việc tuân thủ đúng quy trình về kỹ thuật canh tác, bao trái, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả. Nhờ vậy, đến nay diện tích canh tác vú sữa theo quy trình VietGAP đã mở rộng quy mô lên đến trên 70 hecta. Ông Nguyễn Quốc Thiên - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Quyết Thắng, huyện Kế Sách cho biết: “Lúc đầu bà con còn băn khoăn, bỡ ngỡ. Bây giờ là năm thứ 3 rồi, bà con thấy trái mình trồng đạt tiêu chuẩn như vậy thì mới xuất khẩu được nên không cần chờ vận động nữa. Giờ đi khắp các vườn vú sữa gần đây là bao trái trắng vườn hết”.

    Không chỉ quan tâm nâng cao chất lượng cây ăn trái bằng các tiêu chuẩn sản xuất sạch, việc cấp mã số vùng trồng cũng lần lượt được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai một cách đồng bộ và được nhà vườn thực hiện rất tốt. Hiện địa phương đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp 44 mã số vùng trồng với gần 420 hecta, sản lượng ước đạt 9.000 tấn trái mỗi năm. Lợi ích từ việc cấp mã số vùng trồng hướng đến truy xuất nguồn gốc đã được minh chứng rất hiệu quả ở HTX bưởi Thành Công thuộc xã Kế Thành, huyện Kế Sách. Hiện HTX đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm bưởi và tem truy xuất nguồn gốc. Đây là một bước quan trọng để khẳng định chất lượng khi đưa sản phẩm ra cạnh tranh trên thị trường. Ông Lê Văn Phải - Giám đốc HTX Bưởi Thành Công chia sẻ: “Rõ ràng là khi có mã số vùng trồng rồi, vấn đề tiêu thụ đối với trái bưởi da xanh hay bưởi năm roi của HTX đều rất dễ dàng, bởi vì khách hàng có thể biết rõ trái bưởi này được trồng ở đâu, có những tiêu chuẩn nào. Cũng từ đây mà bà con cũng có ý thức hơn trong khâu chăm sóc, họ làm vườn có trách nhiệm hơn để tránh ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm tại vùng trồng của mình”.


Nhờ được gắn tem truy xuất nguồn gốc mà sản phẩm Bưởi da xanh của Hợp tác xã Bưởi Thành Công thuận lợi hơn trong khâu tiêu thụ.

 

    Một trong những dấu ấn quan trọng là song song với sự chú trọng về việc nâng cao chất lượng, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng còn giải quyết tốt yếu tố đầu ra cho các loại cây ăn trái thông qua việc xây dựng kế hoạch mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như mời gọi công ty, doanh nghiệp đến khảo sát thực tế tại vùng trồng để đánh giá chất lượng. Sau buổi gặp gỡ, những hợp đồng tiêu thụ cây ăn trái đã được ký kết; doanh nghiệp nắm chắc sản lượng để có thể đàm phán hợp đồng còn nông dân có thể hoạch toán được lợi nhuận từ mức giá bao tiêu. Chữ tín giữa người trồng và doanh nghiệp đã được minh chứng rõ thông qua việc tuân thủ các tiêu chuẩn xuất khẩu từ khâu chăm sóc đến bảo quản. Nhờ vậy mà đến nay, Sóc Trăng đã xây dựng được 4 chuỗi liên kết giá trị sản phẩm trên cây vú sữa, xoài, bưởi, nhãn. Bên cạnh trái vú sữa tím được xuất khẩu sang thị trường khó tính là Hoa Kỳ, trái bưởi da xanh, bưởi năm roi cũng bắt đầu được xuất khẩu sang thị trường Châu Âu. Có thể thấy, chuyện sản xuất theo nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập là hoàn toàn khả thi từ cách làm bài bản này. Bà Ngô Tường Vy – Phó Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu ở tỉnh Bến Tre – một trong những công ty liên kết bao tiêu trái cây Sóc Trăng với số lượng lớn, thông tin thêm: “Nói chung là cũng có những khó khăn ban đầu khi vận động bà con làm theo những tiêu chuẩn đáp ứng điều kiện xuất khẩu, nhưng đến nay thì đã có những kết quả tích cực từ sự chuyển biến về tư duy sản xuất của bà con. Từ đó mà tạo nên những sản phẩm trái cây có giá trị như chúng ta thấy rõ trong thời gian qua. Riêng với trái vú sữa tím đã xuất sang Hoa Kỳ với sản lượng cao hơn theo từng năm. Thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục phối hợp cùng nhà vườn ở Sóc Trăng thực hiện tiêu chuẩn xuất khẩu đối với nhiều loại cây ăn trái khác nhau nhằm đa dạng nguồn hàng, khi đó chúng ta cũng có điều kiện tiếp cận được nhiều thị trường hơn chứ không phải chỉ có Trung Quốc và một số nước quen thuộc khác”.

    Với diện tích trồng cây ăn trái khoảng 32.000 hecta, Sóc Trăng là một trong những tỉnh có vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu lớn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, địa phương cũng đã xây dựng được 14 vùng trồng cho từng chủng loại cây ăn trái nhằm tạo ra sản lượng lớn thay vì manh mún, nhỏ lẻ như trước. Với sự phối hợp chặt chẽ từ “4 nhà”, gồm: Cơ quan quản lý nhà nước, nhà vườn, nhà khoa học và doanh nghiệp, tin rằng thời gian không xa, Sóc Trăng sẽ có thêm nhiều mặt hàng trái cây khác có đủ điều kiện “xuất ngoại”. Vấn đề then chốt là làm sao giữ vững và nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm; bởi một khi chất lượng có vấn đề thì công tác xúc tiến, mở rộng thị trường dù tốt đến mấy cũng sẽ bị đứt quãng ngay từ khâu liên kết chuỗi.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 75
  • Hôm nay: 7643
  • Trong tuần: 78,350
  • Tất cả: 11,801,670